Không thể phủ nhận lợi ích của việc đi làm thêm đối với sinh viên, nhưng để công việc này không chỉ đem lại giá trị về tiền bạc mà còn cả kỹ năng, kiến thức… thì nên tìm kiếm các công việc gắn với chuyên ngành học tập.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh, cơ hội việc làm các ngành học của các trường đại học. Ảnh: Hồng Hạnh.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định về giới hạn số giờ làm thêm của học sinh, sinh viên. Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự luật này, được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc.
Trước đó, trong đợt lấy ý kiến từ tháng 6 đến tháng 7, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất cho phép sinh viên được làm việc tối đa 24 giờ mỗi tuần, tăng thêm 4 giờ so với quy định trong dự thảo hồi tháng 3. Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến cho rằng việc quy định cụ thể về số giờ làm thêm của sinh viên là không hợp lý và cũng khó kiểm soát.
Nhìn ra thế giới, nhiều nước cũng quy định học sinh được làm thêm từ 20 - 24 giờ mỗi tuần như Anh, Australia, Mỹ, Phần Lan. Ở châu Á, sinh viên tại Nhật Bản và Hàn Quốc được phép làm thêm nhưng không quá 28 giờ và 25 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với sinh viên quốc tế và không có giới hạn với sinh viên là công dân nước sở tại, nhằm mục đích cư trú lẫn bảo vệ lao động nội địa. Việc bỏ quy định thời gian tối đa làm thêm của sinh viên trong dự thảo luật mới nhất được đánh giá là phù hợp với thực tế, cũng như tăng tính chủ động cho sinh viên trong việc sắp xếp thời gian để tham gia làm thêm nhưng không ảnh hưởng tới việc học trên lớp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Phạm Dũng Hà - Trưởng phòng chính sách việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Trong dự thảo luật chúng tôi có đưa ra quy định các trường quản lý sinh viên. Hàm ý của quy định này là chúng tôi mong cơ sở giáo dục biết được sinh viên của mình có hay không đi làm thêm. Theo tôi, hiện nay có 2 cách để quản lý sinh viên đi làm thêm, bao gồm doanh nghiệp phải thông báo đến cho cơ sở giáo dục nơi sinh viên đang theo học hoặc sinh viên muốn đi làm phải xin giấy xác nhận của trường”.
Dẫu vậy, nhìn từ thực tế các phương án này đều khó đảm bảo tính khả thi. Bởi hiện nay các công việc làm thêm của sinh viên rất đa dạng từ gia sư, shiper, chạy bàn, bán hàng… Không phải sinh viên nào cũng tìm việc làm thêm tại các doanh nghiệp, cơ sở có đăng ký kinh doanh… mà có thể là cá nhân, hộ gia đình nên việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động này thông báo tới nhà trường là rất khó, nhất là với công việc của sinh viên thường không trọn thời gian, không đóng bảo hiểm xã hội. Từ phía sinh viên với tâm lý ngại phiền, ngại các thủ tục hành chính nên việc phải xin giấy xác nhận của trường mới đi làm thêm là rất khó. Chưa kể, nhiều công việc thời vụ, thay đổi liên tục nên việc xin giấy xác nhận của trường càng thêm phức tạp, sinh viên sẽ có tâm lý e dè.
Đỗ Long (K69 Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, em vừa trở thành sinh viên năm nhất và đang có dự định xin đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm. “Xin vào doanh nghiệp thì em chưa có chuyên môn, còn nếu xin làm bán hàng, em không thấy có mối liên hệ với ngành học hiện nay. Trước mắt, em đang dạy gia sư cho một em học sinh lớp 10, mỗi tuần 3 tiếng buổi tối nên không ảnh hưởng đến việc học trên lớp. Bố mẹ em cũng ủng hộ làm thêm có chừng mực, còn nhà trường, em chưa thấy có quy định phải xin giấy xác nhận” – Đỗ Long cho biết.
Vấn đề có quản lý hay không quản lý sinh viên đi làm thêm lâu nay vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. TS Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải có sự quản lý của nhà trường đối với việc làm thêm của sinh viên. Việc này giúp các em tránh tình trạng làm những ngành nghề bị cấm hoặc làm việc trong điều kiện không có lợi cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, việc quy định rõ phải trả lương cho các em không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ là hợp lý. Điều này thể hiện sự bình đẳng và bảo đảm quyền lợi của sinh viên khi việc chi trả tiền lương phù hợp với sức lao động của các em.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận, sinh viên làm thêm với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và lý thuyết, những va đập ngoài cuộc sống giúp các em trưởng thành hơn rất cần khuyến khích. Nhưng ở khía cạnh khác, nếu các em chọn những công việc như bán quần áo, rửa bát, bưng phở… không gắn gì với chuyên môn đang học ở bậc đại học thì cần cân nhắc cẩn trọng. Bởi rõ ràng, những lợi ích mà công việc này mang lại ngoài giá trị vật chất thì kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức… tích lũy được sẽ ít có ứng dụng để phát triển công việc tương lai.