Huyện Đình Lập, một vùng cao biên giới của tỉnh Lạng Sơn, huyện nằm trên tuyến đường giao thông kết nối giữa thành phố Lạng Sơn với các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thương mại và du lịch. Đình Lập có hơn 40km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, mở ra cơ hội phát triển các loại hình du lịch biên giới, du lịch sinh thái. Cùng với hệ thống đồi, núi, địa phương còn nhiều con suối trong xanh, mát lành, nơi khởi nguồn của dòng sông Kỳ Cùng - con sông chảy ngược độc đáo ở Lạng Sơn và Việt Nam.Ngoài ra, huyện Đình Lập còn được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất tự nhiên và quỹ đất rừng lớn, tạo tiềm năng phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế gắn với lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt, khu vực phía Nam của huyện nổi tiếng với những đồi chè rộng lớn, không gian bao la, khí hậu trong lành mát mẻ có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm trực tiếp hái chè cùng bà con nhân dân, tham gia các công đoạn chế biến chè, thưởng thức chè.
Không những thế, Đình Lập còn có nhiều điểm nhấn về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, thế mạnh về hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp phù hợp để phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng...
Với nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên phong phú, giá trị văn hoá dân tộc bản địa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp là rất lớn và đây cũng là một trong những hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn... Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển mô hình du lịch này tại địa phương lại đang gặp không ít những khó khăn, thách thức.
Định hình những khó khăn, thách thức
Theo ông Hoàng Xuân Thuận - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Hiện hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn ở Lạng Sơn phát triển đáng kể. Các mô hình du lịch nông nghiệp tại xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); mô hình du lịch nông nghiệp tại xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) được hình thành từ năm 2023, được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết đến, tham gia trải nghiệm, mở ra tiềm năng lớn cho loại hình du lịch này. Từ kết quả đó và nhận thấy tiềm năng sẵn có của huyện Đình Lập, đơn vị muốn nhân rộng mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao tại đây.
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đến khảo sát, đánh giá các điểm đến tại huyện Đình Lập.
Do đó, huyện cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút người dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình tham quan đồi chè và trải nghiệm quy trình trồng chè, hái chè, sao chè; xây dựng các famstay gắn với hoạt động nông nghiệp chủ chốt tại địa phương; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch...Tuy nhiên, để phát triển bền vững loại hình du lịch này, ông Thuận nhấn mạnh cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia du lịch, nông nghiệp nhằm giúp người dân địa phương khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững.
TS. Lê Quang Đăng - Viện nghiên cứu phát triển du lịch (thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam).
Thẳng thắn đánh giá về tiềm năng du lịch tại huyện Đình Lập, Tiến sĩ Lê Quang Đăng, đại diện Viện nghiên cứu phát triển du lịch (thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, điểm khởi đầu và đích đến của việc phát triển du lịch ở huyện Đình Lập vẫn chưa được xác định rõ ràng. "Đây là bài toán "con gà, quả trứng", chưa có nhiều khách du lịch, khó thu hút đầu tư. Nơi đây cũng chưa có sản phẩm dịch vụ du lịch chủ đạo, nên chưa thể thu hút du khách", ông Đăng nhấn mạnh.Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cũng chưa được đảm bảo. "Cộng đồng chưa nhìn thấy rõ lợi ích từ việc phát triển du lịch, nên chưa quan tâm và tích cực tham gia", ông Đăng giải thích.Vấn đề thu hút nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch ở Đình Lập cũng gặp nhiều khó khăn. Huyện này phải cạnh tranh với các địa phương khác trong tỉnh Lạng Sơn và các khu vực lân cận, không chỉ trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mà cả du lịch nông nghiệp và sân golf. Bên cạnh đó, việc triển khai các hoạt động đầu tư, phát triển du lịch cũng bị vướng mắc do các quy định về sử dụng đất nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.Cuối cùng, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở Đình Lập cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Đăng lưu ý rằng, địa phương cần "cẩn trọng với hiệu ứng ngược", tức là quảng bá không đúng cách có thể làm giảm thu hút khách du lịch thay vì tăng. Để vượt qua những thách thức này, chuyên gia du lịch cho rằng Đình Lập cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng của tỉnh, nhà đầu tư và cộng đồng, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chỉ khi đó, tiềm năng du lịch của huyện Đình Lập mới được khai thác hiệu quả.Làm gì để du lịch Đình Lập cất cánh?Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, làm du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn rất khó nếu địa phương không tạo được điểm khác biệt về sản phẩm du lịch sẽ không hấp dẫn du khách. Vì thế, cần phải lựa chọn giá trị cốt lõi về tự nhiên, yếu tố văn hóa để xây dựng thành sản phẩm du lịch nổi bật.Huyện Đình Lập nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, được thiên nhiên ban tặng cảnh quan đẹp với diện tích rừng, độ che phủ rừng lớn, trong đó có nhiều cánh rừng đẹp, độc đáo như rừng thông, rừng hồi... Đây là điều kiện lý tưởng để nghiên cứu, xây dựng, phát triển loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm, phù hợp với xu hướng tìm sự yên bình, xu hướng du lịch “chữa lành” hiện nay.
TS. Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia tư vấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia tư vấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “hiến kế”, làm du lịch, nhất là xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn là phù hợp. Tuy vậy, địa phương phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, bền vững, bởi thực tế cho thấy, du lịch nông thôn mục đích cuối cùng là tăng sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương.Kinh nghiệm ở nhiều nơi trong cả nước cho thấy, phải gắn du lịch nông thôn với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới... Khi cảnh quan, môi trường nông thôn đáp ứng các tiêu chí: Xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, kết hợp với việc xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn sẽ thu hút được du khách.Từ những ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia du lịch, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập mong được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, các Sở, ngành của tỉnh, các chuyên gia, các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị truyền thông tiếp tục đồng hành, hỗ trợ huyện để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Đình Lập, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống người dân huyện Đình Lập trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, vừa qua, huyện Đình Lập đã ký kết hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, doanh nghiệp lữ hành và chủ thể cung ứng dịch vụ nông thôn tại huyện cũng đã ký kết hợp tác "Khai thác sản phẩm nông nghiệp nông thôn".