Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018 trên thế giới có gần 600.000 người mắc mới và khoảng 312.000 người tử vong vì ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam trong cùng năm, có đến 4.177 ca mới mắc và 2.420 ca tử vong bởi bệnh này với dấu hiệu trẻ hóa "thần tốc" về độ tuổi, trường hợp trẻ nhất mới 14 tuổi.
Theo báo cáo Kế hoạch hành động quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016 - 2025 của Bộ Y tế Việt Nam cho biết, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV - nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, ít nhất 1 lần trong đời. Tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20 - 30, có thể lên đến 20 - 25%.
Trong đó, 5 nhóm phụ nữ sau đây có nguy cơ cao nhất, hãy lưu ý và điều chỉnh lối sống cũng như đi tầm soát ung thư sớm để phòng và chữa bệnh kịp thời:
1. Quan hệ tình dục quá sớm
Các nghiên cứu tại nhiều quốc gia chỉ ra rằng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng lên 2,53 lần khi quan hệ tình dục lần đầu trước tuổi 20. Nguy cơ này giảm dần khi độ tuổi tăng lên.
Khi quan hệ quá sớm, hệ thống sinh sản, cơ quan sinh dục của phụ nữ chưa thật sự hoàn chỉnh, niêm mạc cổ tử cung rất nhạy cảm với vi khuẩn, virus và rất dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, quan hệ tình dục sớm sẽ khiến cổ tử cung chưa trưởng thành tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, kích thích cổ tử cung và tăng nguy cơ ung thư.
2. Có nhiều bạn tình
Rất nhiều bạn trẻ hiện đại có lối sống buông thả, suy nghĩ thoáng trong chuyện tình dục, thậm chí coi việc có nhiều bạn tình là sở thích, thói quen sinh hoạt thông thường hoặc xu hướng hợp thời. Cần phải hiểu rằng, càng có nhiều bạn tình, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục càng cao.
Quan hệ tình dục là con đường lây nhiễm virus HPV, nếu 1 trong số bạn tình của bạn bị nhiễm HPV thì tỷ lệ rất cao là bạn cũng sẽ bị. Đặc biệt, nếu quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ hoặc không vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ thì càng dễ bị lây nhiễm hơn.
3. Phụ nữ sinh nở nhiều lần
Phụ nữ sinh nở nhiều lần, cụ thể là từ 3 lần trở lên thì tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 2 lần so với những phụ nữ sinh 1 – 2 con. Đặc biệt, những chị em từng sinh thường từ 2 lần trở lên thì tỷ lệ mắc bệnh tăng lên 1,9 lần.
Điều này là do cổ tử cung dễ bị rách và tổn thương khi sinh thường (qua đường âm đạo). Các vết rách và tổn thương của cổ tử cung làm cho tế bào biểu mô cổ tử cung dễ bị tổn thương do các yếu tố gây bệnh bên ngoài xâm nhập.
Ngoài ra, sinh nở nói chung làm thay đổi hormone sinh dục và chức năng miễn dịch suy yếu trong thời kỳ mang thai dẫn đến nguy cơ bị căn bệnh đáng sợ này tấn công.
4. Có tiền sử gia đình mắc các khối u
Đến nay vẫn chưa có cơ sở hay công trình y học lâm sàng nào chứng minh rằng bệnh ung thư cổ tử cung có tính di truyền. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường hợp gia đình có tiền sử ung thư nói chung hay ung thư cổ tử cung nói riêng bị mắc căn bệnh này.
Với tiền sử gia đình có khối u ác tính phụ khoa, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 1,83 lần so với những người không có tiền sử gia đình mắc khối u. Tuy rằng, lối sống và thói quen tình dục mới là yếu tố quyết định đến khả năng mắc bệnh, nhưng nếu gia đình có tiền sử ung thư, tốt nhất hãy tầm soát ung thư và khám sức khỏe định kỳ.
5. Hút thuốc thường xuyên hoặc hút thuốc thụ động
Các chất gây ung thư bao gồm cả nicotine được phát hiện trong chất nhầy cổ tử cung của những người hút thuốc trong rất nhiều nghiên cứu lâm sàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nghiên cứu của GS. Anthony Gunnel thuộc Viện Karolinska ở Thụy Điển cho thấy phụ nữ hút thuốc lá có lượng virus HPV-16 cao và khiến nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng lên 27% so với phụ nữ không hút thuốc lá.
Đặc biệt, so với những người hút thuốc lá chủ động, những người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 2,38 lần.
Ngoài ra, hút thuốc lá dù chủ động hay bị động đều là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh ung thư và bệnh nguy hiểm khác. Ước tính, cứ 6 giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông.