Mới 39 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Oanh (Gò Vấp, TP.HCM) đã khổ sở vì thoái hóa khớp gối. Chị Oanh làm giáo viên mầm non, từ hai năm trước chị bắt đầu đau đầu gối thậm chí có lúc đứng lên ngồi xuống di chuyển chị nghe rõ đầu gối có tiếng lạo xạo. Chị Oanh đi kiểm tra bác sĩ mới biết bị thoái hóa khớp gối.
Về nhà, chị Oanh lên mạng thấy mọi người chia sẻ ăn nhiều đậu bắp, ốc nhồi, uống thêm thực phẩm chức năng để chữa thoái hóa khớp gối nên chị làm theo.
Mỗi tuần chị đều mua 2,3 kg đậu bắp về luộc, uống glucosamin, ăn ốc.. nhưng tình trạng thoái hóa hầu như không giảm. Thi thoảng đầu gối lại đau, thậm chí sưng đỏ, nóng ran nhất là về mùa đông.
Ảnh minh họa. Theo TS BS Tăng Hà Nam Anh – nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, thoái hóa xương khớp nói chung và thoái hóa khớp gối đang là gánh nặng ở bất cứ quốc gia nào. Thoái hóa là hiện tượng bình thường của cơ thể theo thời gian lão hóa dần.
Tuổi thọ càng cao thì tình trạng thoái hóa ngày càng tăng. 23% người trên 40 tuổi bắt đầu bị thoái hóa khớp gối, 100% người trên 60 tuổi mắc bệnh này.
Thoái hóa khớp gối càng ngày càng tăng nhất là ở nữ giới. Đặc biệt, nữ giới tăng cân làm tăng áp lực lên khớp gối nên càng tăng tình trạng thoái hóa khớp gối.
TS Nam Anh cho biết thoái hóa khớp gối là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm. Khớp gối là khoang kín nhưng tế bào sụn mất đi dần dần có hiện tượng viêm đau, sưng đỏ, nóng khớp gối về đêm.
Khớp bên trong hư nhiều, trục chân không còn thẳng và có thể làm cho chân cong hơn, chân đi hình chữ X. Quá trình thoái hóa tiếp tục xảy ra, cong chân càng tăng áp lực khớp gối bên trong, giãn dây chằng bên ngoài gối càng làm cho bệnh nhân đau hơn.
Triệu chứng nhận biết thoái hóa khớp gối, người bệnh thấy đau ở mặt trước hoặc trong khớp gối. Đau tăng khi vận động, đặc biệt là khi lên xuống dốc, lên xuống cầu thang, đứng lên khi ngồi xổm.
Bạn nghe có tiếng lạo xạo trong khớp khi vận động. Có thể hạn chế vận động, nhất là động tác gấp, có dấu hiệu “phá gỉ khớp” – hiện tượng cứng khớp khi mới ngủ dậy hoặc lúc bắt đầu vận động, vận động nhẹ vài phút mới có thể đi lại và hoạt động bình thường.
Có thể có dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè, sưng, nóng, đỏ khớp bị thoái hóa. Một số trường hợp có thoát vị bao hoạt dịch vùng khoeo.
TS Nam Anh cho biết khi bị thoái hóa khớp gối cần điều trị nhiều phương pháp từ chỉnh trục đi cho bệnh nhân, chỉnh bằng cách đi giày, xem tình trạng dây chằng cho bệnh nhân có thể thoái hóa sau đứt dây chằng, có bệnh nhân có thể mang theo bao khớp gối.
Tình trạng khớp gối hư hỏng nặng có thể bổ sung thêm chất nhờn. Hiện không có phương án điều trị tối ưu mà chỉ làm giảm tình trạng thoái hóa.
BS Nam Anh cho biết các loại thực phẩm chức năng quảng cáo có thể tăng chất nhờn cho khớp gối chỉ là quảng cáo vì nhiều bệnh nhân thoái hóa chưa chắc đã là do khô khớp.
Người bệnh thoái hóa điều trị không phải là một phương pháp như ăn ốc sên, đậu bắp, lòng trắng trứng đều không có tác dụng. TS Nam Anh cũng gặp thường xuyên người bệnh thoái hóa than thở ăn đậu bắp hàng ngày nhưng vẫn không đỡ thoái hóa.
Thực tế, bạn ăn đậu bắp chỉ giúp nhuận tràng, chất nhờn từ thực phẩm không thể đi vào được khớp gối của bạn.
Việc điều trị thoái hóa khớp gối, theo TS Nam anh hiện bác sĩ có thể áp dụng biện pháp toàn diện đánh giá sức cơ đầu đùi, đánh giá trục cơ học, trọng lượng cơ thể, thói quen sinh hoạt… khiêng vác quá nặng.
Đặc biệt các môn thể dục không hợp cho người thoái hóa như yoga, chạy, đá bóng. Nếu bạn bị thoái hóa khớp gối, bạn cần thay đổi các môn thể thao như đi bộ, bơi lội,…