Theo cử nhân kiểm soát nhiễm khuẩn Trần Thị Nga, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, khi gia đình có người là F0, thì nguy cơ lây cho các thành viên khác trong gia đình luôn tiềm ẩn. Vì vậy, nếu bạn là F0 cách ly tại nhà, bạn cần tìm hiểu thật kỹ quy định và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Theo chị Nga, để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình, F0 cần lưu ý 5 điều sau:
Thứ nhất, người bệnh phải ở riêng phòng, có khu vệ sinh cần tách biệt với các khu sinh hoạt của thành viên khác trong gia đình. Nếu không có phòng vệ sinh riêng thì người bệnh nên là người vào sau cùng và dọn về sinh khử khuẩn sạch sẽ ở bồn cầu, bồn rửa mặt, nắm cửa nhà vệ sinh. Bởi vì khi người bệnh đi vệ sinh có thể sẽ lưu lại virus trên khu vực vệ sinh.
Ngoài các thuốc theo hướng dẫn thì người bệnh cần trang bị các dung dịch khử khuẩn, khẩu trang.
Xét nghiệm cho người dân tại TP HCM.
Thứ hai, trong phòng cách ly có thùng rác đậy kín, chất thải trong phòng cách ly chuyển ra ngoài phải bọc kín lại, có dán nhãn là chất thải của người nhiễm Covid-19 để người thân, nhân viên thu gom chất thải lưu tâm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm.
Thứ ba, trong phòng người bệnh không nên sử dụng điều hoà trung tâm. Nếu nhà có F0 sử dụng điều hoà trung tâm thì có thể lây sang các phòng khác. Người bệnh có thể sử dụng điều hoà riêng từng phòng nhưng tốt nhất vẫn là mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế điều hoà. Có thể sử dụng quạt trần, quạt cây thổi gió từ phòng ra ngoài cửa sổ,
Thứ tư, F0 cách ly tại nhà thường không có triệu chứng, khoẻ mạnh nên khuyến khích F0 tự xử lý các công việc vệ sinh bề mặt, vệ sinh sàn nhà, tự vệ sinh đồ sinh hoạt để giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người xung quanh.
Thứ năm, tại cửa phòng cách ly cần có bàn để cung cấp đồ ăn, thực phẩm, để giảm thiểu sự tiếp xúc với người nhiễm.
Người cách ly phải sử dụng đồ sinh hoạt riêng: bát đĩa, bàn chải, ga giường, khăn tắm…
Chị Nga tư vấn không nên để người già, người có bệnh nền chăm sóc F0. Cả nhà cần khai báo y tế theo hướng dẫn, theo dõi sức khoẻ, ngày đo thân nhiệt hai lần. Bếu có thay đổi về thân nhiệt, thêm triệu chứng nghi ngờ, gia đình cần báo ngay có cán bộ y tế tại khu vực để được hỗ trợ.
Trong trường hợp người F0 không thể tự chăm sóc thì nên để người nào khoẻ mạnh, đã được tiêm vắc xin hoặc không có bệnh nền vào chăm sóc. Khi vào chăm sóc cần đảm bảo đủ phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định. Trong suốt quá trình cách ly y tế không nên cho ai vào nhà trừ nhân viên y tế.
Đặc biệt, chị Nga khuyến cáo mọi người luôn đeo khẩu trang, nếu thay khẩu trang cũng cần vệ sinh tay, không chạm vào mặt trước của khẩu trang, chỉ cầm phần dây đeo của khẩu trang.
Khi có F0 cách ly tại nhà, gia đình cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau chùi bề mặt như tay nắm cửa, các vật dụng như điều khiển ti vi, điều hoà, điện thoại, máy tính cá nhân, mặt bàn, khu vực bàn bếp, bát đĩa, xoong nồi… Thực hiện đúng quy định cách ly là cách giảm nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng tốt nhất – chị Nga khuyến cáo.