TOP

Trang chủ >>Tuổi Trẻ

Sắc trắng u huyền

Tên sách chỉ có một âm tiết, tối giản, như mời gọi vào đất Phù Tang xưa, giữa những rặng núi băng giá, trong những thôn làng miền sơn cước, đi vào thế giới của thi ca và vẻ đẹp Nhật Bản.

 

Sắc trắng u huyền

Chàng trai đến tuổi trưởng thành buộc phải chọn lựa hoặc làm một chiến binh hoặc trở thành tu sĩ. Nhưng không, anh không chọn cả hai điều đó mà quyết tâm trở thành nhà thơ, một nhà thơ haiku chỉ viết những vần thơ 17 âm tiết.

Ám ảnh với tuyết, thơ anh tràn ngập sắc trắng. Ngày nọ, anh lên đường đi tìm Soseki, nhà thơ danh tiếng nhất Nhật Bản đương thời, để học cách viết những bài thơ haiku. Hành trình tìm thầy học làm thơ của anh gợi nhắc đến tác phẩm Áo Chi tế đạo - ghi lại chuyến viễn du ngàn dặm của bậc đại sư haiku Basho. Trên lối vào miền thơ ấy, anh trải qua hoạn nạn, tìm thấy thầy, học được nghệ thuật ngôn từ, đem lại sắc màu cho thơ của mình và dĩ nhiên, nhận ra tình yêu.

Tất cả những điều trên được gói gọn trong một tập sách mỏng, với ngôn ngữ giản kiệm gần như một bài thơ văn xuôi để thể hiện sự sùng mộ của một người Tây phương trước mỹ cảm Á Đông và có lẽ đã bộc lộ sự ngưỡng mộ của tác giả trước một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn chương Nhật Bản: Xứ tuyết của Kawabata Yasunari cũng như các “truyện trong lòng bàn tay”.

Độc giả có thể thấy Tuyết gợi nhắc đến tiểu thuyết Lụa của Alessandro Baricco, trong cùng cái đẹp của lối văn chương súc tích; cùng lấy bối cảnh nước Nhật thời Mạc Phủ; cùng cảnh tâm hồn Tây phương bị quyến rũ bởi một Đông phương u huyền. Ở Tuyết, sự u huyền ấy ẩn chứa trong thân thể thiếu nữ người Pháp mang tên Neige. Trong ngôn ngữ mẹ đẻ của nàng, Neige cũng có nghĩa là tuyết.

Nữ nghệ sĩ đi dây phải lòng nhà thơ Soseki. Cuộc đời nàng cân bằng trên sợi dây nọ cho đến ngày một tai nạn khiến nàng vùi thân dưới tuyết và nằm lại ở đó như một người đẹp say ngủ, trong giấc mộng đóng băng vĩnh cửu.

“Trên đời này có hai loại người.

Những người sống chơi đùarồi chết.

Và những người không bao giờ làm gì khác ngoài việc giữ mình thăng bằng trên rìa của đời sống.

Những người diễn kịch

Và những người đi dây”.

Nhà văn Fermine đã nhìn nước Nhật qua đôi mắt chàng thanh niên Akita Yuko của nhiều thế kỷ trước. Dưới sự chỉ dạy của thi nhân Soseki, Yuko đi từ yêu thích đến thấu hiểu. Thơ anh nếu trước đây chỉ toàn sắc trắng thì chính người thầy mù lòa, nghịch lý thay, đã dạy cho anh ý nghĩa của sắc màu.

Anh Đinh Trần Phương, dịch giả của Tuyết cũng là một nhà thơ đã xuất bản hai tập haiku: Cánh trăng và Giấc mơ của bàn tay. Có thể nói, tiểu thuyết Tuyết là nơi những tâm hồn yêu thơ haiku hội ngộ trong một sự tuyệt đích vô biên củasắc trắng.

Trong sắc trắng vô biên ấy, lần nữa, hai cuốn tiểu thuyết TuyếtLụa lại gặp gỡ. Nhà văn Baricco ở lời nói đầu cuốn Lụa đã viết: “Tất cả những câu chuyện đều có âm nhạc riêng. Chuyện này có âm nhạc trắng”.

Còn Fermine trong lời đề từ cuốn Tuyết đã dẫn thơ Rimbaud: “Chỉ một màu trắng để mộng mơ”.

Gần hơn, sau này, sắc trắng ấy lại trở thành niềm ám ảnh một nhà văn Hàn Quốc - nữ văn sĩ Han Kang với tiểu thuyết cũng cô đọng như bài thơ văn xuôi:Trắng. Sương, tã, chó trắng, viên đường và dĩ nhiên là tuyết. Những sự vật mang sắc trắng dưới đôi mắt buồn bã của thi nhân thấm đượm một niềm bi cảm, đầy hoài nhớ. Huỳnh Trọng Khang

     

Nguồn www.phunuonline.com.vn

Sắc trắng u huyền - Tuổi Trẻ